Xã hội
Bàn giải pháp giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc
10:26 PM 26/08/2016
LĐXH - Chiều 26/8/2016, tại Trụ sở Bộ Lao động - TBXH, Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Lao động – TBXH tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp giảm nghèo bền vững đối với các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc.
Chủ tọa Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH; đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc; các Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH: Huỳnh Văn Tí, Nguyễn Trọng Đàm, Doãn Mậu Diệp; đại diện các Bộ, ngành gồm: Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ Kế hoạch – Đầu tư; Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách Xã hội…, các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan thông tấn báo chí.
Tây Bắc, nơi có tỷ lệ nghèo nhất cả nước
 
Vùng Tây Bắc có hơn 11,6 triệu người sinh sống trên địa bàn (trong đó 63% là đồng bào dân tộc thiểu số), gồm 12 tỉnh và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, đây là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước năm 2010 là 34,58%, cao gấp 2,44 lần tỷ lệ chung của cả nước; theo kết quả Tổng điều tra năm 2015 là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước). Đến cuối năm 2014, Tây Bắc vẫn còn 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 30% là Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Các đại biểu tham dự Hội nghị 
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Trọng Đàm báo cáo về công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc trong thời gian qua. Theo đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho vùng Tây Bắc nói riêng. Nhờ đó, công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc giảm từ 34,41% năm 2010 xuống còn 15% vào cuối năm 2015, bình quân giảm gần 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP giảm còn khoảng 26% vào cuối năm 2015, bình quân giảm khoảng 6%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã được đầu tư theo Chương trình 135 cũng đã giảm từ 3-5% mỗi năm, đạt mục tiêu đề ra, trong đó 21 xã đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình 135. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 vẫn ở mức cao nhất cả nước với 29,14% hộ nghèo và 10,69% hộ cận nghèo. Trên địa bàn 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a có 49,98% hộ nghèo và 12,26% hộ cận nghèo; trên địa bàn 12 huyện hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết 30a có 46,56% hộ nghèo và 14,09% hộ cận nghèo.
 
Từ năm 2001 đến năm 2015, các chương trình và chính sách xóa đói giảm nghèo đã có tác động toàn diện, đều khắp đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Tây Bắc. Đến nay, các tỉnh Tây Bắc đã đạt được các mục tiêu về giao thông, điện, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, nhà ở, cơ sở khám chữa bệnh, thông tin, viễn thông. Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nông thôn mới, tính đến năm 2015, Tây Bắc có 107  xã đã về đích nông thôn mới, chiếm 4,62%... 
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm báo cáo kết quả giảm nghèo vùng Tây Bắc
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vùng Tây Bắc vẫn còn một số những khó khăn, hạn chế trong công tác giảm nghèo, đó là: Kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các vùng, miền không đồng đều, nguy cơ tái nghèo còn cao; Nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, vốn vay giải quyết việc làm còn chưa đáp ứng so với yêu cầu; Cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu so với nhu cầu thực tế của địa phương; Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn đã được quan tâm, tổ chức thực hiện nhưng chưa thường xuyên; Một số địa phương còn thụ động trong thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; Công tác lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao…
Đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc " Cần rà soát quy hoạch, kế hoạch nhằm phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội... vùng Tây Bắc"
Giải pháp giảm nghèo cho vùng Tây Bắc
Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc đạt mục tiêu ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh; chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để đảm bảo tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo. Các giải pháp đề ra như thiết kế chính sách hướng phát huy tính chủ động của người nghèo, giảm cho không. Các bộ, ngành chuyển chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi. Hỗ trợ người dân có điều kiện, có thời hạn để gắn trách nhiệm, tính tự giác của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp để tạo hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung "Vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn..."
Phát biểu tại Hội nghị,  Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung đã nhất trí và đánh giá cao Đề án Giải pháp giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc giai đoạn 2016 – 2020. Theo Bộ trưởng, để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau: Điều tra, đánh giá hiệu quả việc thực thi các chính sách, giảm mạnh cơ chế cho không đồng thời hỗ trợ cơ chế cho vay để đầu tư các công trình thiết yếu; Các địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế trong từng lĩnh vực, khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư vào vùng, tập trung đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế và xuất khẩu lao động; Tập trung giải quyết hạ tầng giao thông chính trong vùng, tạo sự kết nối các tuyến đường liên kết các tỉnh; Triển khai có hiệu quả hai Chương trình Mục tiêu Quốc gia: Giảm nghèo và Nông thôn mới, tái cơ cấu nông thôn, nông nghiệp, tập trung tích tụ đất để phát triển sản xuất và các mô hình liên hợp tác xã kiểu mới; Tập trung đào tạo bền vững nguồn nhân lực; Khuyến khích, ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng Tây Bắc thông qua gói tín dụng thương mại nhằm thu hút lao động, tạo việc làm cho người lao động.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết,  thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho vùng Tây Bắc nói riêng. Nhờ đó công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả nhất định… Một trong những nhiệm vụ trọng tâm và then chốt đối với Tây Bắc trong thời gian tới là công tác xóa đói, giảm nghèo. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có chủ trương, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ban chỉ đạo Tây Bắc sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ LĐ TB&XH và bộ ngành, địa phương vùng Tây Bắc nghiên cứu, xây dựng đề án “Giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc”, sớm trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong quá trình xây dựng Đề án cần huy động được sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, dân tộc, kinh tế, xã hội… vùng Tây Bắc.

Tiếp tục điều tra, khảo sát, phân loại đối tượng nghèo, nguyên nhân nghèo. Đánh giá, rà soát các chính sách giảm nghèo hiện hành; trên cơ sở đó tích hợp, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới các chính sách giảm nghèo theo hướng giảm chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không sang chính sách hỗ trợ có điều kiện. Đề xuất các quan điểm, mục tiêu và giải pháp giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc. Trong đó, chú ý các giải pháp đột phá, đặc thù như: Phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương trên cơ sở phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương; có giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân; giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

N.Ngọc