Nghiên cứu - trao đổi
Giải quyết khiếu nại của người lao động đi làm việc ở nước ngoài
10:54 AM 28/08/2016
Ngày 17/12/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo.
Một số nội dung cơ bản về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Nghị định trên là cơ sở pháp lý để giải quyết khiếu nại, tố cáo của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Các doanh nghiệp (DN), tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cần nắm vững các quy định này để thực hiện việc giải quyết khiếu nại cũng như hướng dẫn người lao động tuân thủ các quy trình cần thiết khi khiếu nại hoặc tố cáo theo đúng trình tự quy định của pháp luật mà trước hết là vấn đề khiếu nại của lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan.
Trên thực tế, hiện trạng NLĐ khiếu nại gia tăng đột biến tại Đài Loan trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Ban Quản lý lao động tại Đài Loan, trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ có 132 đơn khiếu nại của người lao động, bình quân 22 đơn/tháng và 98 trường hợp lao động kiện qua điện thoại đường dây nóng 1955 do Bộ Lao động Đài Loan chuyển đến Ban. Song, từ tháng 8/2015 đến cuối tháng 2/2016, tổng số đơn thư gửi tới Văn phòng và Ban là 1.500 đơn, số trường hợp lao động phản ánh qua đường dây nóng được Bộ Lao động Đài Loan chuyển tới cũng gia tăng lên 250 trường hợp. Các vấn đề lao động khiếu nại có trên 90% là về chi phí, còn lại là về việc làm và công tác quản lý lao động của DN. Tuy nhiên, các khiếu nại của NLĐ phần đa lại không có chứng cứ một cách cụ thể, rõ ràng: có trên 50% số đơn không có thông tin về thời điểm xuất cảnh và nội dung chung chung, giống nhau, gây khó khăn cho cơ quan quản lý để có cơ sở giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng đang xúc tiến chỉ đạo giải quyết tình trạng đơn thư khiếu nại trên theo hướng tuân thủ một cách nghiêm túc theo các quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo hiện hành và bước đầu có tác động tích cực khắc phục tình trạng trên.
Tại Nghị định 119 đã quy định khá cụ thể các nội dung cơ bản liên quan đến pháp luật khiếu nại như thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại, trình tự giải quyết đơn thư… Riêng Điều 46 của Nghị định có quy định trách nhiệm hướng dẫn thi hành của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đến nay, dự thảo Thông tư hướng dẫn đã được xây dựng đến lần thứ 4 song vẫn còn một số điểm chưa cụ thể khiến DN và cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng trong xử lý khi phát sinh vấn đề.   
Quy định đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng nên được hướng dẫn rõ thêm 
Nghị định 119 khi thiết kế phạm vi điều chỉnh bao gồm cả các quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quyết định, hành vi về lao động đối với người sử dụng lao động; quyết định, hành vi về dạy nghề đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề và quyết định, hành vi về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đối với tổ chức cá nhân tham gia hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trong thực tế, các quyết định hành vi của ba lĩnh vực này có những điểm chung và có những điểm khá đặc thù. Thí dụ trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, các quyết định, hành vi không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn diễn ra ở ngoài nước trong một khoảng thời gian không chỉ 1 năm mà có thể 2 năm, 3 năm hoặc lâu hơn nữa nên trong Thông tư hướng dẫn nên tính tới đặc thù này và cần làm rõ để thuận lợi hơn trong giải quyết khiếu nại và tố cáo. Cụ thể dự thảo Thông tư hướng dẫn nên làm rõ thêm một số nội dung sau:
+ Quyết định về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Theo quy định của pháp luật hiện hành cũng như trên thực tế, các DN đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài không có quyết định nào bằng văn bản như Nghị định đề cập mà NLĐ và đại diện DN cùng thỏa thuận và ký vào một bản Hợp đồng dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Quy định và làm như vậy thể hiện tính tự nguyện, không bị ép buộc của NLĐ khi quyết định đi làm việc ở nươc ngoài qua DN mình lựa chọn. Mặt khác, chính hợp đồng này cùng với quy định của pháp luật Việt Nam là căn cứ để giả quyết tranh chấp giữa 2 bên (nếu có). Vậy dự thảo Thông tư nên hướng dẫn quyết định về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được hiểu là văn bản hợp đồng giữa NLĐ và tổ chức, cá nhân đưa đi được không?
+ Hành vi về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Trong dự thảo Thông tư nên hướng dẫn rõ nội dung này. Cụ thể, có phải đây là các hành vi đã được quy định tại Điều 29, 30, 31, 32, 33 và 34 trong Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
+ Thời hiệu khiếu nại
Theo Nghị định 119: “Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi…”. Vấn đề đặt ra NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được hiểu như thế nào về thời hiệu khiếu nại, kể từ ngày nào; thế nào là nhận được biết được quyết định, hành vi… ? Trong thực tế, Thông tư có thể hướng dẫn cân nhắc các trường hợp sau để cụ thể hóa quy định về thời hiệu khiếu nại lần đầu trong Dự thảo, đó là: Sau khi NLĐ được giáo dục định hướng, được nghiên cứu kỹ hợp đồng và ký chính thức hợp đồng rồi xuất cảnh thì thời hiệu khiếu nại lần đầu được tính từ ngày lao động xuất cảnh và có thời hiệu là 180 ngày tính từ ngày xuất cảnh. Trong thời gian đó, NLĐ nếu có khiếu nại lần đầu thì sẽ được thụ lý và sau 180 ngày nếu có khiếu nại thì không được giải quyết; Trường hợp NLĐ không được phổ biến, ko có cam kết mặc dù NLĐ đã ký hợp đồng và họ đưa được bằng chứng về lý do trên nên họ khiếu nại sau 180 ngày kể từ ngày xuất cảnh?; Trường hợp chủ sử dụng vi phạm hợp đồng thì xác định thời hiệu khiếu nại của NLĐ quy định thế nào?; Trường hợp khiếu nại này có thể xảy ra trong trường hợp họ về nước thanh lý hợp đồng (sau 1 năm, 2 năm…) thì khiếu nại này có được giải quyết không?
+ Trở ngại khách quan
Quy định tại khoản 3 Điều 7 đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng nên được hướng dẫn rõ thêm ngoài các trường hợp đã quy định như trong Dự thảo.
+ Tổ chức đối thoại
Do đặc thù trong trường hợp NLĐ khiếu nại đang làm việc ở nước ngoài thì việc đối thoại giải quyết khiếu nại lần đầu nên có quy định NLĐ có thể ủy quyết cho gia đình họ đối thoại với tổ chức đưa họ đi ở trong nước; tương tự khi giải quyết khiếu nại lần 2 thì Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước có thể ủy quyền cho người đứng đầu Ban Quản lý lao động ở nước đó đối thoại với người khiếu nại lần 2. Dự thảo Thông tư có hướng dẫn rõ mới có thể thực thi được.
+ Hiệu lực thi hành
Dự thảo Thông tư có quy định: Thông tư này sẽ  thay thế Thông tư số 06 và có hiệu lực thi hành từ 15/7/2015. Vậy văn bản này nay ban hành muộn hơn 01 năm so với hiệu lực thi hành, vấn đề đặt ra các trường hợp khiếu nại trước khi ban hành Thông tư này sẽ xử lý ra sao? Có cần làm lại theo trình tự với các mẫu biểu mới của Thông tư này không? có làm các hồ sơ lưu theo quy định tại 24, 32 của Nghị định không?
+ Phụ lục các mẫu biếu
Số mẫu biểu được thiết kế có số lượng là 30 mẫu trong đó 20 mẫu cho giải quyết khiếu nại và 10 mẫu cho giải quyết tố cáo. Với chủ trương cải cách về thủ tục hành chính, dự thảo Thông tư nên soát xét lại theo hướng giảm bớt số mẫu biểu tránh phức tạp và làm khó khăn trong giải quyết đối với người khiếu nại, tổ chức và cơ quan giải quyết đặc biết đối với tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Một số mẫu đơn áp dụng trong trường hợp khiếu nại, tổ chức đối với hoạt động đi làm việc ở nước ngoài nên bổ sung thêm một số tiêu chí để nhận diện đầy đủ hơn người khiếu nại, tổ chức ở nước ngoài như quốc gia (lãnh thổ) đến làm việc; ngày xuất cảnh, đơn vị đưa đi; làm ở đâu, công việc gì…. 
TS. Phạm Đỗ Nhật Tân