Lao động
Hòa Bình: Thu nhập trăm triệu từ nuôi chim cút “sạch”
03:39 PM 23/08/2016
Dám nghĩ, dám làm và sáng tạo trong sản xuất, ông Hà Văn Thành ở xóm Lãi, xã Tây Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã không chỉ thành công với mô hình nuôi chim cút “sạch” mà còn trở thành một gương điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình của địa phương.


Ông Hà Văn Thành chăm sóc đàn chim cút “sạch” của gia đình.
 
Đầu năm 2009, trong một lần đi thăm người đồng đội cũ ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình), nhận thấy hiệu quả của việc chăn nuôi chim cút, ông Thành đã học hỏi kinh nghiệm, cách làm. Đầu năm 2010, từ số vốn dành dụm của gia đình và vay mượn thêm của người thân, ông bắt tay vào việc nuôi chim cút với số vốn đầu tư ban đầu khoảng trên 20 triệu đồng. Nhờ vận dụng tốt kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian “học việc” và tích cực tìm hiểu các kiến thức liên quan trên sách báo nên đàn chim cút của ông phát triển khá tốt. Do khâu vệ sinh khu chăn nuôi được ông Thành đặc biệt chú ý nên chim cút ít mắc bệnh. Lứa đầu tiên, sau khi xuất bán, trừ chi phí giống vốn, gia đình ông Thành còn thu về hơn 3 triệu đồng tiền lãi.
 
Quyết định tăng đàn, ông Hà Văn Thành cũng trăn trở làm sao để giảm chi phí đầu tư mà lại tăng giá trị chim thương phẩm. Bởi theo ông Thành, sử dụng thức ăn chế biến sẵn theo công thức công nghiệp của nhà máy, giá thành vừa đắt, chi phí vận chuyển cao, lại có lô chất lượng kém làm cho chim bị bệnh, chết nhiều. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Thành đã sáng tạo ra cách chế biến nguồn thức ăn lên men tự nhiên và sử dụng thảo dược sẵn có để phòng bệnh cho chim cút.
 
Theo đó, ông tự chế biến thức ăn cho chim cút với công thức: 1 tạ ngô bột, 20 kg đậu tương nghiền, 5 kg bột cá và 30 kg cát sạch để tạo ra 2 tạ cám. Ông tính toán, chế biến thức ăn lên men theo công thức trên giúp giảm giá thành khoảng 4.000 đồng/kg cám so với mua của nhà máy. Chim cút ăn loại thức ăn tự chế biến vừa dễ tiêu hóa vừa bảo đảm phân chim không có mùi hôi như dùng thức ăn công nghiệp.
 
Bên cạnh đó, ông còn tận dụng nhiều loại cây thảo dược tự nhiên có sẵn trong vườn nhà như gừng, tỏi, bạc hà, tía tô, kinh giới, là thầu dầu, cỏ sữa… để tạo nước uống có tác dụng phòng bệnh cho chim cút. Nhờ sử dụng thảo dược mà không dùng các loại kháng sinh trong phòng bệnh nên những chú chim cút của ông Thành nhanh lớn hơn; thịt dai, thơm; chất lượng trứng cút cũng được nâng lên với tỷ lệ lòng đỏ nhiều hơn.
 
Hiện nay, gia đình ông thường xuyên duy trì đàn chim cút khoảng 5.000 - 6.000 con tại 2 khu chuồng nuôi được xây dựng thoáng mát, đúng kỹ thuật với diện tích gần 500 m2. Ông Thành còn tìm tòi nuôi chim cút đẻ và ấp nở chim con để tự bảo đảm nguồn con giống cho gia đình và các hộ xung quanh. Thời gian nuôi chim cút từ con giống đến khi đẻ trứng là từ 75 - 85 ngày. Mỗi lứa cút giống sẽ cho thu trứng trong vòng 1 năm với tỷ lệ đẻ thường xuyên là trên 80%. Giá bán tại chuồng là 14.000 đồng/con với chim cút đực và 16.000 đồng/con với chim cút mái. Bình quân mỗi năm, gia đình ông nuôi khoảng gần 20.000 con chim cút các loại, sau khi trừ chi phí còn thu lãi từ 160 - 170 triệu đồng/năm từ xuất bán chim cút thịt và chim giống. Do chất lượng bảo đảm nên chim cút “sạch” của gia đình ông Thành đã được thương lái trong và ngoài tỉnh Hòa Bình tìm về đặt hàng. Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện Cao Phong, ông Hà Văn Thành đã đăng ký 1 gian hàng và bước đầu nhận cung cấp chim cút “sạch” cho một số siêu thị ở Hà Nội.
 
Chia sẻ với chúng tôi, ông Thành cho biết: “Do chim cút có đặc tính thích sống ở nơi cao ráo, thoáng mát nên chuồng chim cần thiết kế lồng nuôi quay lưới, chia làm nhiều tầng, gọn nhẹ, có hệ thống máng ăn, nước uống để tránh rơi vãi. Đáy lồng hơi dốc để khi chim cút đẻ thì trứng sẽ lăn ra khay treo ở cạnh lồng. Chế biến thức ăn lên men và nước uống thảo dược cho chim cần bảo đảm tỷ lệ sẽ giúp chim có sức đề kháng mà không phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh làm ảnh hưởng đến chất lượng chim thành phẩm”.
 
Tận dụng diện tích đất đồi rừng của gia đình, ngoài nuôi chim cút “sạch”, ông còn đầu tư trồng và phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như cam V2, thanh long ruột đỏ… Mạnh dạn đầu tư, sáng tạo trong cách làm, gia đình ông đã trở thành một điển hình của huyện Cao Phong trong phát triển kinh tế. Liên tục nhiều năm liền được công nhận danh hiệu hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, mới đây, ông Hà Văn Thành còn vinh dự được nhận giải Ba tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hòa Bình lần thứ 5, năm 2014 – 2015 với sáng kiến “Nuôi chim cút sạch bằng thức ăn lên men và nước uống thảo dược tự chế biến”.
 
Mọi người có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm nuôi chim cút “sạch”, có thể liên hệ với ông Thành theo số điện thoại 0976761792./.


Theo hoinongdan.org.vn