Lao động
Ngăn chặn lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê: Cần sớm có giải pháp bền vững từ "gốc"
08:45 AM 26/08/2016
Xuất cảnh trái phép đi lao động ở Trung Quốc không khác gì một “canh bạc đỏ đen” đối với nhiều lao động Việt Nam nói chung và lao động Quảng Ninh nói riêng. Vì mưu sinh, nhiều người đã tìm mọi cách vượt biên trái phép. Trong số đó, rất ít người đã thật sự đổi đời nhờ may mắn gặp được chủ sử dụng lao động tốt, còn lại phần đông bị quỵt tiền lương, bị đánh đập, thậm chí mất mạng...
Người dân thôn 3 xã Tiến Tới, huyện Hải Hà học và làm nghề đan lưới lúc nông nhàn.
“Canh bạc” lao động “chui”
Đường Hoa là xã thuần nông của huyện Hải Hà nhưng lại là địa phương có nhiều “Việt kiều” nhất huyện. Bên cạnh những người đi lao động Hàn Quốc chính ngạch thì những năm gần đây, Đường Hoa rộ lên phong trào lao động “chui” ở các tỉnh của Trung Quốc giáp ranh với Việt Nam. Mặc dù là đi lao động bất hợp pháp song nhiều hộ ở Đường Hoa đã thật sự đổi đời nhờ con đường này. Nhiều trong số ngôi nhà cao tầng mới mọc lên ở xã này là những nhà có người đi lao động ở Trung Quốc, Hàn Quốc, số ít còn lại là chủ rừng.
Anh Đinh Khắc Tiến (thôn 7, xã Đường Hoa) kể: “Năm 2009, nhờ chị gái lấy chồng ở Quảng Đông, Trung Quốc giới thiệu, vợ chồng tôi quyết định sang Trung Quốc làm việc. Thấy công việc tốt, lương thưởng được chủ trả rất sòng phẳng, nên chúng tôi đưa cả nhà sang đây. Đợt vừa rồi do tôi bị ốm nên tạm thời về nhà điều trị, hiện bên ấy còn vợ, 3 đứa con tôi đang làm việc. Trong xưởng may mặc chỗ vợ chồng tôi làm có khoảng 10 người Việt Nam, ở nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định... Mỗi ngày, chúng tôi làm việc từ 12-14 tiếng đồng hồ, tiền công ăn theo sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, vợ chồng tôi mỗi người được khoảng 3.000 NDT (tương đương hơn 13 triệu VND), được công ty bao ăn, ở. Các con gái của tôi làm giỏi, có tháng được 5.000 NDT. Chỗ ở cũng rất đàng hoàng, có đầy đủ điện, nước, phòng ốc sạch sẽ. Các cặp vợ chồng được ở riêng 1 phòng, còn lại 3-4 người ở chung một phòng”.  
Hàng xóm anh Đinh Khắc Tiến là anh Lê Khắc Tiến cũng là một trong những lao động đi làm việc ở Trung Quốc, đang xây dựng ngôi nhà ở mới 2 tầng, mà theo anh Tiến, nếu chỉ ở quê làm nông nghiệp thì cả đời cũng không dám mơ tới. Anh Tiến cho biết: “Năm 2012, thấy nhiều người trong làng đi Trung Quốc làm ăn tốt, nên tôi cũng đi theo. Tôi làm trong một xưởng điện tử tư nhân có khoảng 30 công nhân người Việt Nam, trung bình được khoảng 2.000 NDT/tháng, được bao ăn, ở”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn nhờ như vậy. Anh Đinh Khắc Tiến cho biết thêm: “Đi lao động chui, không có giấy tờ gì hợp pháp, nên lúc nào cũng thấp thỏm sợ công an địa phương đến kiểm tra. Nếu chủ tốt, có quan hệ tốt với chính quyền địa phương thì khi có đợt kiểm tra, lao động Việt Nam sẽ được chủ cho xe đến đón đi tránh ở một nơi khác. Tuy nhiên, cũng có những nơi chủ muốn quỵt tiền công, họ sẵn sàng báo chính quyền đến bắt lao động bất cứ lúc nào. Nhiều trường hợp bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ, bắt đi lao động công ích và trục xuất về nước. Có người trở về với hai bàn tay trắng, có người bị đánh đập, quỵt tiền lương, thậm chí cũng có người mất mạng”.
Trường hợp của anh Vi Hồng (thôn Phiêng Tắm, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu), khi xuất cảnh trái phép đi lao động ở Trung Quốc đã bị đánh đập. Năm 2014, khi anh quay về không những không có tiền mà còn có triệu chứng về tâm thần. Theo thông tin của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ và trao trả 16 vụ/40 trường hợp lao động trái phép. Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô bắt 4 vụ/47 trường hợp, ngăn chặn hàng chục lượt người có ý định đi lao động “chui” bên kia biên giới. Năm 2014, đã có 2 trường hợp người Việt sang Trung Quốc làm thuê bị tai nạn lao động chết, được đưa về qua đường biên giới và không được hưởng bất cứ một chế độ gì.
Cần giải quyết tận “Gốc”
Việc ngăn chặn tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đã được lực lượng chức năng của tỉnh và các địa phương triển khai khá quyết liệt. Đặc biệt vào dịp đầu năm, các đơn vị công an, biên phòng dọc tuyến biên giới của tỉnh đã ngăn chặn, bắt giữ hàng trăm vụ xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời, gốc rễ của vấn đề chính là giải quyết công ăn, việc làm, thu nhập, đảm bảo cuộc sống người lao động.
Đại tá Bùi Xuân Hợp, Phó Trưởng Công an huyện Hải Hà, cho biết: Tính đến tháng 7-2016, trên địa bàn huyện còn 525 người đi lao động tại Trung Quốc chưa về. Trong đó, nhiều nhất là xã Đường Hoa với gần 200 người, tiếp đến là các xã Quảng Chính 64 người, Quảng Minh 62 người, Quảng Sơn 59 người… Trên cơ sở quản lý cư trú và nắm tình hình, cuối năm 2015, Công an huyện Hải Hà phối hợp với Công an huyện Bình Liêu đã ngăn chặn, vận động quay về được hơn 30 lao động xã Quảng Phong có ý định xuất cảnh trái phép qua bên kia biên giới đi lao động...
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu tìm việc làm của lao động địa phương. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều lao động trên địa bàn tỉnh có mối quan hệ thân tộc với những người dân bên kia biên giới, khi có việc cần sử dụng lao động họ sẽ tự liên hệ với nhau. Lao động chủ yếu tìm cách vượt biên qua tuyến biên giới trên địa bàn TP Móng Cái, huyện Bình Liêu hoặc tỉnh Lạng Sơn. Trong số đó, có nhiều lao động chỉ sang Trung Quốc làm việc thời vụ thu hoạch mía, keo, rồi nhanh chóng quay về địa phương, nên rất khó quản lý. Qua quá trình xác minh, điều tra của công an các địa phương, bên cạnh những trường hợp rủi ro do lao động bất hợp pháp, cũng có nhiều người nhờ đi lao động ở Trung Quốc mà có đời sống khá giả. Đơn cử tại Hải Hà, đến nay có khoảng 500 lao động có việc làm ổn định ở Trung Quốc, như làm mộc, làm đồ chơi trẻ em, đồ nhựa gia dụng, một số người đã lấy chồng người Trung Quốc. Khi quay về địa phương, đa số họ vẫn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. “Công an huyện Hải Hà đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương, MTTQ và các đoàn thể tập trung tuyên truyền pháp luật, vận động người dân không đi lao động trái phép bên Trung Quốc. Trong đó, nhấn mạnh những nguy cơ rủi ro như bị đánh đập, bóc lột sức lao động, quỵt tiền công v.v.. do cư trú bất hợp pháp” - Đại tá Bùi Xuân Hợp, Phó Trưởng Công an huyện Hải Hà cho biết.
Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề này vẫn là tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Do đó, các địa phương, ngành LĐ-TB&XH cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia tuyển dụng vào làm việc tại khu công nghiệp, tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, tính đến tháng 6-2016, toàn tỉnh có gần 1.700 lượt lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Trong đó, nhiều nhất là ở các địa phương giáp biên giới như: Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Móng Cái. Trên cơ sở kiểm tra, khảo sát thực tế, Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH và một số ngành liên quan đã tham mưu tỉnh xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp về lao động giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc) để trình Bộ Ngoại giao, Chính phủ xem xét. Mặc dù để đi đến thống nhất giữa hai bên cần rất nhiều thời gian, nhiều nỗ lực từ cấp Trung ương, song điều này cũng mang lại hy vọng cho nhiều lao động Quảng Ninh khi muốn sang Trung Quốc lao động hợp pháp, được đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người lao động.
Theo Báo Quảng Ninh