Xã hội
Người cựu chiến binh làm giàu từ nghề mộc
08:55 AM 19/07/2016
(LĐXH) - Đến xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) hỏi thăm cựu chiến binh Nguyễn Công Độ hầu như ai cũng biết bởi ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là người nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.
Xuất thân trong một gia đình nông dân, tháng 2 năm 1986 ông tham gia bộ đội công binh ở Trung đoàn 89, Quân khu 2. Sau 3 năm phục vụ trong quân đội, hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, ông trở về quê hương. Những năm đầu, cuộc sống gia đình ông có quá nhiều khó khăn, vất vả. Không cam chịu đói nghèo, ông bắt đầu tìm hướng đi để phát triển kinh tế. Vốn có kinh nghiệm từ nghề mộc của gia đình, ông đã nhận đóng thủ công giường, tủ, bàn, ghế. Năm 1993, nhận thấy các mặt hàng nội thất như: bàn ghế, tủ tường, án gian… cao cấp bằng gỗ đang có nhu cầu tiêu dùng lớn, ông mạnh dạn vay vốn của anh em, bạn bè và quỹ tín dụng xã Hát Môn để mở xưởng sản xuất. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, tích cóp được một chút vốn, ông đầu tư mua thêm các loại máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất gỗ. Sản phẩm làm ra có mẫu mã ngày càng đẹp và dễ tiêu thụ. Đến nay xưởng mộc hoạt động liên tục, với các loại máy sẻ, cuốn và máy soi…, lúc cao điểm xưởng sản xuất từ 40 đến 50 sản phẩm/tháng, chủ yếu là giường, tủ, bàn ghế các loại, khuôn bao cửa, trần nhà, lát sàn… Tiếng lành đồn xa, khách hàng ở trong và ngoài huyện đến đặt hàng ngày càng nhiều. Sản phẩm của ông thậm chí đã có mặt tại các cửa hàng lớn của Hà Nội, Thanh Hóa và Bắc Ninh. Từ nghề mộc, mỗi năm trừ đi các khoản chi phí, ông thu được lãi hơn 400 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, chủ yếu là con em của các hộ gia đình trong xã, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Độ, nghề mộc không chỉ đòi hỏi đôi tay khéo léo, óc sáng tạo mà còn phải chịu khó học hỏi những mẫu mã mới, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, nguyên liệu phải bền, bảo đảm chất lượng mới tạo dựng được uy tín với khách hàng.
CCB Nguyễn Công Độ (áo đen ngoài cùng bìa trái) đang giới thiệu các sản phẩm với các hội viên
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh Nguyễn Công  Độ còn là người tích cực tham gia các tổ chức đoàn, hội tại địa phương như: Hội Nông dân, Người cao tuổi, Cựu chiến binh…; luôn đi đầu hưởng ứng các cuộc vận động như ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học…Trong hoạt động “Ðền ơn đáp nghĩa”, hàng năm cứ vào dịp tháng 7 hay các ngày lễ, tết ông lại dành thời gian để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, cũng như các cháu là con thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam trong xã.
Nhận xét về cựu chiến binh Nguyễn Công Độ, đồng chí Kim Văn Bảy - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hát Môn cho biết: CCB Nguyễn Công Độ là hội viên năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương với mức lương cao. Bên cạnh đó, đồng chí còn tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức đoàn, hội, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; tích cực ủng hộ các quỹ từ thiện được vận động tại địa phương; Nhiệt tình giúp đỡ hội viên khó khăn, kết hợp dạy nghề mộc miễn phí cho con CCB có nhu cầu học việc. Đồng thời xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc…”
Với đôi tay khéo léo, sáng tạo và chịu khó, cựu chiến binh Nguyễn Công Độ đã làm giàu từ nghề mộc, xứng đáng là người lính Cụ Hồ. Năm 2013, ông vinh dự được Chủ tịch UBND Thành phố, huyện Phúc Thọ tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”.
Nguyễn Hiền