Pháp luật
Quảng Nam công bố kết quả điều tra phá rừng pơ mu
06:19 PM 25/08/2016
Công an tỉnh Quảng Nam chiều nay họp báo công bố kết quả điều tra vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng ở biên giới Việt - Lào.

Đại tá Huỳnh Sông Thu - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã đọc báo cáo kết quả điều tra vụ việc.

Quảng Nam, công an Quảng Nam, phá rừng pơ mu, công bố kết quả, Việt - Lào
Công an Quảng Nam họp báo công bố kết quả điều tra vụ phá rừng pơ mu (Ảnh: Vũ Trung)
Đại tá Nguyễn Viết Lợi – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam chủ trì họp báo cho biết đây là những vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận.
Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vụ án phá rừng pơ mu như chỉ đạo trước đó.
Theo Đại tá Nguyễn Viết Lợi, kết quả điều tra ban đầu vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” cơ quan điều tra đã khởi tố 9 đối tượng trong đường dây phá rừng này.
Đại tá Huỳnh Sông Thu tóm tắt vụ án vụ phá rừng pơ mu xảy ra tại khu vực biên giới Việt – Lào.
Ngày 25/7, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam quyết định rút vụ án về Cơ quan CSĐT Công an tỉnh điều tra theo thẩm quyền.
Ngày 26/7, bắt đối tượng Nguyễn Văn Thắng tại Thanh Hóa là nhóm trưởng trực tiếp chặt phá rừng;
Tính đến nay vụ án này ra quyết định khởi tố 9 bị can và còn 11 đối tượng đang bỏ trốn.
"Tuy nhiên, đây mới là kết quả ban đầu. Vụ việc có tổ chức nên trách nhiệm của Cơ quan điều tra phải làm rõ về trách nhiệm quản lý Nhà nước có liên quan hay không?" - Đại tá Lợi đặt vấn đề. 
"Đến thời điểm nay không có chứng cứ chứng minh là các cơ quan chức năng được giao quản lý trên địa bàn là có liên quan đến vụ việc này" – Đại tá Lợi nói.

Trước đông đảo báo giới, Đại tá bày tỏ cảm kích với các cơ quan thông tấn báo chí vì thời gian qua đã theo dõi sát sao vụ việc  và hỗ trợ rất tốt cho Cơ quan điều tra.

Quảng Nam, công an Quảng Nam, phá rừng pơ mu, công bố kết quả, Việt - Lào
Rất đông phóng viên có mặt tại buổi họp báo (Ảnh: Vũ Trung)

Đề cập đến trách nhiệm của Biên phòng và Hải quan thì Đại tá Lợi cho rằng, việc này tôi nói không đúng và không có quyền nói vì phải chờ đến cuộc họp báo cuối tháng của UBND tỉnh. 

Trước câu hỏi "Khối lượng gỗ pơ mu chứa trong khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang có phải là gỗ pơ mu bị chặt phá tại khu vực biên giới hay không" - thì Đại tá Lợi cho rằng, việc này đang được Cơ quan điều tra trưng cầu giám định có phải bị chặt phá tại Tiểu khu này hay không.

Trả lời câu hỏi báo VietNamNet nêu có hay không việc tiếp tay của cơ quan Biên phòng, Hải quan và chính quyền địa phương trong vụ việc này? - Đại tá Lợi nói: Đến thời điểm nay thì trong tay tôi chưa có chứng cứ để nói có hay không có. Trong vụ án này thì Cơ quan điều tra tỉnh Quảng Nam là cơ quan toàn quyền điều tra vụ án này.

Ông cũng cho rằng, việc nếu có liên quan đến cán bộ Biên phòng thì do Cơ quan điều tra quân đội thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Tất cả các cơ quan điều tra phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. 


Diễn biến vụ việc

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc phá rừng tự nhiên pơ mu tại tiểu khu 351 thuộc khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Như tin đã đưa, ngày 9/7, trong lúc đi rừng, người dân xã La Dêê phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn ngay tại khu vực cửa khẩu Nam Giang. Sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và đã phát hiện tại khu vực đường vành đai biên giới khu vực cửa khẩu nhiều điểm tập kết gỗ pơ mu đã cưa xẻ không rõ nguồn gốc có tổng khối lượng hơn 48m3.

Sau khi khởi tố vụ án, ngày 16/7, Công an huyện Nam Giang đã phát hiện hơn 100 phách gỗ pơ mu (8,2 khối) bị giấu ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang và lực lượng hải quan không lý giải được về nguồn gốc số gỗ này.

Đến trưa 17/7, lực lượng công an lại phát hiện 2 bãi tập kết gồm 85 phách gỗ pơ mu bị giấu trong bụi rậm cách trụ sở hải quan khoảng 50m và cách Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc khoảng 500m. Khu vực này thuộc vành đai biên giới, cách Lào khoảng 100m.

Liên quan tới vụ việc, Cục Hải quan Quảng Nam đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang Lê Trung Thịnh để phục vụ công tác điều tra. Ngoài ra còn có 2 cán bộ lãnh đạo tại khu vực biên giới đã được cơ quan chức năng triệu tập.

Quảng Nam, công an Quảng Nam, phá rừng pơ mu, công bố kết quả, Việt - Lào

Quảng Nam, công an Quảng Nam, phá rừng pơ mu, công bố kết quả, Việt - Lào

Rừng gỗ quý bị tàn phá ở Quảng Nam. (Ảnh: Vũ Trung)

Chiều tối 20/7, sau khi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, đây là vụ phá rừng có tổ chức, vi phạm pháp luật rõ ràng, công khai. Điều này cũng thể hiện rõ sự quản lý lỏng lẻo và những bất cập trong công tác phối hợp của các cơ quan liên quan tại khu vực biên giới.
Bộ đội biên phòng Việt Nam đã đình chỉ công tác 3 cán bộ gồm: Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc (Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang), Thiếu tá Đỗ Hoành Minh (Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang) vàĐại úy Lê Xuân Chính, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc, huyện Nam Giang.
Tổng cục Hải quan cũng ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Trung Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang.
Các đối tượng đã bị bắt khẩn cấp đang tạm giam gồm: Nguyễn Văn Thắng (1978), nhóm trưởng khai thác. Nguyễn Văn Sanh (1982), nhóm trưởng vận chuyển; Lê Trọng Dương (1968), nhóm phó khai thác. Các đối tượng trú tại Quảng Bình
Nguyễn Văn Quang (1982) trú Bắc Trà My, tổ chức nhóm đối tượng khai thác gỗ; Tiêu Hồng Tư (1967), trú tại Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là đối tượng cung cấp tài chính cho các đối tượng khai thác gỗ.
Nhóm đối tượng đã đầu thú tại Quảng Bình hiện đang cho tại ngoạihầu tra gồm: Phạm Văn Bỗng (1990); Mai Văn Châu (1990); Mai Văn Cường (1986) và Lê Hồng Diêu (1982).
11 đối tượng hiện đang bỏ trốn gồm: Nguyễn Văn Ngự (1980); Nguyễn Văn Tùng (1989); Nguyễn Văn Phường ( (1984); Nguyễn Văn Tiến (1982); Cao Văn Hới (1992); Hoàng Văn Luận (1978); Nguyễn Văn Thu ( 1990); Hoàng Văn Sử (1981); Nguyễn Văn Danh ( 1989); Nguyễn Văn Long (1993); Nguyễn Văn Dũng (1986).
Tại cuộc họp báo, Đại tá Nguyễn Viết Lợi thông qua báo chí yêu cầu các đối tượng sớm ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Theo Vũ Trung/Vietnamnet