Xã hội
Quảng Ninh: Đa dạng hóa các hoạt động phòng ngừa và điều trị rối nhiễu tâm trí
08:54 AM 26/08/2016
Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được mở rộng về đối tượng, đa dạng hóa về liệu pháp điều trị,qua đó xoá bỏ những thành kiến đối với người bị bệnh, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để giúp họ ổn định cuộc sống, làm tốt công tác quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần tại cộng đồng.
Hoạt động chẩn đoán, tư vấn, trị liệu của mô hình Trị liệu rối nhiễu tâm trí của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Hiện nay tỉnh Quảng Ninh có 6.511 người tâm thần, khuyết tật trí tuệ, có 5.482 người tâm thần được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, chiếm 84,2% tổng số người tâm thần. Thực hiện Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng người tâm thần thuộc diện hưởng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được hưởng mức trợ cấp xã hội tại cộng đồng và mức sinh hoạt phí tập trung tại trung tâm Bảo trợ xã hội cao hơn mức quy định chung của Trung ương. Cụ thể: mức quy định của Trung ương là 180.000đ/người/tháng và 270.000đ/người/tháng (hệ số 01); mức quy định của tỉnh là 300.000đ/người/tháng (hệ số 01) đối với đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, 400.000đ/người/tháng đối với đối tượng nuôi dưỡng tại cơ sở Bảo trợ xã hội.
Trong 2 năm 2013 – 2014, Quảng Ninh đã đầu tư 5,35 tỷ đồng từ  kinh phí của trung ương và ngân sách địa phương đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội, Bệnh viện đa khoa huyện Vân Đồn để đảm bảo nhu cầu thiết yếu phục vụ công tác khám, trị liệu, chăm sóc, phục hồi cho đối tượng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí và mô hình cơ sở phòng, trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí và khám, sàng lọc, can thiệp cho người có biểu hiện này tại cộng đồng..
Từ năm 2013 đến cuối năm 2015, tỉnh đã tổ chức hơn 60 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nhận biết, can thiệp, hỗ trợ tâm lý đối với người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần cho hàng nghìn người là cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp huyện; trạm trưởng trạm y tế các xã, phường, thị trấn, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội, người trong gia đình có người rối nhiễu tâm trí, tâm thần...
Việc tập trung đào tạo tập huấn từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần và gia đình người có rối loạn về tâm thần giúp nâng cao nhận thức của người dân nói chung về sức khoẻ tâm thần, trang bị cho họ những hiểu biết nhất định về phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần. Qua đó phối hợp với các cơ sở trong việc điều trị những rối loạn về tâm thần, xoá bỏ những thành kiến đối với người bị bệnh, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để giúp họ ổn định cuộc sống, làm tốt công tác quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần tại cộng đồng.
Về cơ sở y tế khám chữa bệnh cho người bị tâm thần, rối nhiễu tâm trí, tỉnh có Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần thuộc Sở Y tế Quảng Ninh với chức năng, nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh và tổ chức thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, chỉ đạo y tế cơ sở thực hiện Dự án phòng, chống bệnh tâm thần tại cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế. Bệnh viện đang quản lý và điều trị cho 40 đối tượng tâm thần vô thừa nhận, 100 đối tượng bệnh nhân tâm thần sa sút có địa chỉ nhưng đa số gia đình khó khăn và bỏ rơi tại bệnh viện. Trung tâm Bảo trợ xã hội đang chăm sóc và nuôi dưỡng gần 30 đối tượng tâm thần mãn tính, Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đang nuôi dưỡng 7 trẻ em khuyết tật trí tuệ.
Ngoài các cơ sở có chức năng phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí của Nhà nước như: Trung tâm Công tác xã hội; Bệnh viện đa khoa huyện Vân Đồn; Bệnh viện sản nhi tỉnh Quảng Ninh còn xuất hiện các hình thái chăm sóc của các cơ sở tư nhân tổ chức các hoạt động chăm nuôi bán trú cho trẻ em rối nhiễu tâm trí.
Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được mở rộng về đối tượng, đa dạng hóa về liệu pháp điều trị. Ngoài đối tượng bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh với liệu pháp hóa dược là chủ yếu thì các rối nhiễu tâm trí (trầm cảm, tự kỷ...) với liệu pháp tâm lý cùng với các hoạt động hỗ trợ xã hội và phục hồi chức năng cũng đã được triển khai trong các cơ sở thuộc ngành y tế và các cơ sở bảo trợ, cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị, chăm sóc của đối tượng.
Để góp phần vào kết quả thực hiện Đề án 1215, ngoài việc tiếp tục đầu tư cho các cơ sở bảo trợ xã hội, việc xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là kết hợp với bệnh viện tuyến huyện để tư vấn, trị liệu luân phiên tại cộng đồng gắn với việc cung cấp các dịch vụ CTXH, dịch vụ điều trị y tế cho người mắc rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh đã đạt hiệu quả bước đầu.
Mô hình tại Trung tâm Công tác xã hội ưu tiên hoạt động can thiệp và trị liệu cho trẻ chậm phát triển, trẻ tự kỷ và bệnh trầm cảm, thực hiện sàng lọc đối với 3.856 trẻ trên địa bàn tỉnh, chẩn đoán rối nhiễu tâm trí sơ bộ cho 389 trẻ và tiến hành sàng lọc cho 235 trẻ có điểm số rơi vào ngưỡng mắc rối nhiễu tâm trí và thực hiện trị liệu không dùng thuốc đối với 65 trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; khám, sàng lọc bệnh trầm cảm cho 400 đối tượng nguy cơ cao và thực hiện trị liệu cho 50 người bệnh trầm cảm.
Mô hình tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đồn bước đầu tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ tham gia mô hình do Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển cộng đồng hỗ trợ. Đến nay bệnh viện đã cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác khám, chuẩn đoán, tư vấn, điều trị người rối nhiễu tâm trí với nhóm bệnh phổ biến và bệnh nhân tâm thần nhóm tâm thần phân liệt theo đúng quy trình thực hành lâm sàng chuẩn xây dựng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới dành cho bệnh viện đa khoa và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các dịch vụ của mô hình đã được triển khai bao gồm: sàng lọc tâm lý cho đối tượng nghiện chất; đánh giá trầm cảm đối với phụ nữ mang thai và sau sinh , tư vấn và chuyển tuyến đối với bệnh nhân nặng; khảo sát đánh giá thực trạng rối nhiễu tâm trí, bệnh tâm thần và nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm trí trên địa bàn huyện Vân Đồn.
Ngoài cộng đồng người tâm thần được quản lý và điều trị tại cơ sở y tế xã/phường  (đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh) và ở một số xã thí điểm điều trị trầm cảm với dịch vụ điều trị bằng thuốc là chính; tiến hành cấp phát thuốc cho bệnh nhân 2 lần/tháng tại trạm y tế xã vào ngày quy định; gia đình bệnh nhân được hỗ trợ trong việc tuân thủ dùng thuốc điều trị bệnh tâm thần.Các liệu pháp tâm lý cùng với các hoạt động hỗ trợ xã hội và phục hồi chức năng cũng đã được triển khai đưa vào các cơ sở thuộc ngành y tế và các cơ sở bảo trợ, cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị, chăm sóc của đối tượng./.
PV