Nghiên cứu - trao đổi
Thực trạng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và giải pháp đổi mới giai đoạn tới
09:50 AM 25/08/2016
Là một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lại bị ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu; đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nên hiện nay số người cần trợ giúp xã hội của Việt Nam rất lớn, chiếm hơn 20% dân số cả nước.
Trong số đó có khoảng 9,2 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 5% hộ nghèo, 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, 234 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, 204 nghìn người nghiện ma tuý, khoảng 30 nghìn nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình; ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
Giai đoạn 2011-2015, kinh tế đất nước có khó khăn, thách thức, song Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực trợ giúp xã hội tiếp tục là điểm sáng. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân”. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội, công tác trợ giúp xã hộ thời gian qua đã đạt được những kết quả chính như sau:
Thứ nhất, đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội. Đến nay, đã có trên 10 Bộ luật, luật; 7 Pháp lệnh và hơn 30 Nghị định, Quyết định của Chính phủ; hơn 40 Thông tư, thông tư liên tịch và nhiều văn bản có nội dung liên quan quy định khuôn khổ pháp luật, chính sách trợ giúp xã hội. Trong đó có những văn bản quan trọng như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Nghị định số 13/2010/NĐ-CP, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội....
Thứ hai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên.Tính đến cuối năm 2015, cả nước đã giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 2,643 triệu đối tượng. Trong đó: người cao tuổi trên 80 tuổi không có lương hưu 1.454 ngàn người; người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo 85 ngàn người; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng 896 ngàn người; trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng 45 ngàn trẻ; người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo 113 ngàn người; ngoài ra, còn khoảng 50 ngàn đối tượng khác. Kinh phí chi trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng cho các đối tượng khoảng 13 nghìn tỷ đồng/năm.
Giai đoạn 2011-2015 lĩnh vực trợ giúp xã hội tiếp tục là điểm sáng
Thứ ba, bảo đảm ổn định đời sống dân sinh khi gặp thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng. Từ năm 2011 đến nay, các địa phương đã chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng hóa, lương thực với trị giá hàng ngàn tỷ đồng cho các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tai nạn giao thông hoặc các lý do bất khả kháng khác. Tính đến ngày 31/12/2014, Chính phủ đã hỗ trợ 180.224 tấn gạo cho 26 lượt tỉnh để thực hiện cứu đói cho 2.469.443 lượt hộ/8.618.121 nhân khẩu thiếu lương thực.
Thứ tư, đã từng bước quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội và dịch vụ trợ giúp xã hội. Hiện nay, cả nước có 408 cơ sở trợ giúp xã hội, gồm 194 cơ sở công lập và 214 cơ sở ngoài công lập, được thành lập, hoạt động, kiện toàn theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP, Nghị định số 81/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, có 31 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 71 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 139 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 31 cơ sở chăm sóc người tâm thần, 34 Trung tâm công tác xã hội với khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên.
Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020; đến nay, cả nước có 34 tỉnh, thành phố thành lập, xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội, trong đó có trên 20 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội trên cơ sở nâng cấp, chuyển đổi cơ sở bảo trợ xã hội. 100% tỉnh, thành phố đã thành lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội từ nhiều chương trình, đề án khác nhau với tổng số gần 100 nghìn cộng tác viên. Các chương trình, giáo trình đào tạo công tác xã hội trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đã được hoàn thiện, ban hành và triển khai đào tạo tại 55 trường cao đẳng, đại học có đào tạo công tác xã hội trên cả nước; có 3 trường đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ công tác xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Đề án đào tạo thạc sỹ công tác xã hội do Tổ chức CFSI và Học viện châu Á tài trợ; 11 trường cao đẳng, đại học đã đào tạo hệ vừa học, vừa làm cho 13.000 cán bộ trình độ đại học, 1.092 cán bộ trình độ cao đẳng và 7.024 cán bộ trình độ trung cấp công tác xã hội; các tỉnh/thành phố đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 40.000 lượt cán bộ, nhân viên công tác xã hội.
Nhìn tổng thể, chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam đã đạt được thành quả góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Hệ thống trợ giúp xã hội tuy đã hình thành nhưng chưa được hoàn thiện theo cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ, toàn diện, bao phủ hết đối tượng, gắn kết chặt chẽ trong mối tương quan với an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phát triển trợ giúp xã hội, nhất là trong điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Giải pháp đổi mới trong thời gian tới !
Trong thời gian tới, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: vấn đề già hoá dân số; tác động của biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân khác nhau làm gia tăng số người cao tuổi khuyết tật, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách an sinh xã hội và trợ giúp xã hội đồng bộ, bao phủ và đủ sức làm tốt vai trò phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân. Muốn vậy, hệ thống trợ giúp xã hội cần phải được đổi mới một cách căn bản theo hướng:
- Phải chuyển mạnh mẽ về quan điểm coi trợ giúp xã hội từ hoạt động nhân đạo sang quan điểm bảo đảm thực hiện quyền cho đối tượng hưởng trợ giúp xã hội. Chính sách trợ giúp xã hội là biện pháp, công cụ, tác động để thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn cuộc sống cho bộ phận dân cư không may gặp phải hoàn cảnh khó khăn.
- Từng bước nâng cao chất lượng chính sách, bảo đảm sự tương quan với các chính sách xã hội khác. Nghiên cứu, xây dựng chính sách trợ giúp xã hội dựa trên vòng đời sẽ bảo đảm sự thống nhất, hài hòa với các chính sách an sinh xã hội khác, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
- Quá trình phát triển của chính sách trợ giúp xã hội phải gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trợ giúp xã hội là một bộ phận của chính sách kinh tế - xã hội, do vậy quá trình hoàn thiện và phát triển phải dựa trên cơ sở của quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Chính sách trợ giúp xã hội phải gắn liền với quá trình cải cách thể chế hành chính Nhà nước trên cả phương diện về (i) cải cách thể thế chính sách, (ii) cải cách thể chế nghiệp vụ, (iii) cải cách thể chế tổ chức thực thi chính sách và (iii) cải cách thể chế tài chính.
- Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội với mục tiêu đến năm 2015 phát triển mạng lưới 451 cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội tiếp cận các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
- Từng bước hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách vềa sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin cho các cấp quản lý nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, góp phần cải cách hành chính trong trợ giúp xã hội./.
Nguyễn Trọng Đàm
 Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội