Kinh tế
Thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ
04:20 PM 25/04/2024
(LĐXH)- Tại Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2024) diễn ra tại TP.HCM, vào ngày 24/04/2024, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024 chính thức ra mắt toàn thể đọc giả.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024 tiếp tục chỉ ra sự cần thiết phải triển khai các chính sách và giải pháp nhằm giải quyết ba vấn đề lớn về kinh doanh; kinh tế tuần hoàn và thảo luận liên quan đến tác động của thương mại điện tử (TMĐT) đến môi trường. Ngoài ra, Báo cáo cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá hiện trạng, ban hành chính sách và pháp luật thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trực tuyến, công nghệ giáo dục (EdTech) và công nghệ y tế (HealthTech).
Năm nay, lấy chủ đề “Thương mại điện tử bền vững", Diễn đàn mang đến nhiều góc nhìn đa chiều về kinh doanh; kinh tế tuần hoàn và thảo luận liên quan đến tác động của TMĐT đến môi trường. Đặc biệt, năm nay Diễn đàn nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị, cơ quan Nhà nước, các đơn vị làm chính sách, giảng viên Đại học,....Sự kiện còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, hàng đầu trong lĩnh vực TMĐT như Novaon Commerce, Tik Tok, Shopee, Accesstrade, Sapo, Haravan, InfoRe, Ecomstone, Meta Ecom, Dropii, Insider, Ladipage...

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM phát biểu tại Chương trình.

Năm 2024,  VECOM tiếp tục hoàn thiện phương pháp tính chỉ số TMĐT. Bên cạnh việc tính toán dựa vào kết quả khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp VECOM, còn sử dụng nhiều kênh thông tin định lượng tin cậy khác. Tên miền quốc gia “.VN” tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất trong đánh giá hạ tầng cho TMĐT. Mặc dù Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy việc đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia nhưng sự thay đổi tại một số địa phương rất nhỏ. Do đó, năm nay VECOM không xếp hạng chỉ số với những địa phương với trung bình trên 2000 dân mới có một tên miền quốc gia.
Mức độ tham gia các sàn TMĐT và nền tảng công nghệ hỗ trợ bán hàng đa kênh là những thông tin quan trọng khi tính điểm cho các chỉ số. Do mối tương quan chặt chẽ giữa số doanh nghiệp và thu nhập trung bình của người dân ở mỗi địa phương tới TMĐT nên những thông tin này được xem xét khi tính toán các chỉ số.
Báo cáo Chỉ số TMĐT năm nay là nguồn thông tin hữu ích cho mọi đối tượng quan tâm tới kinh doanh trực tuyến, bao gồm các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và tư vấn, các cơ quan xây dựng chính sách và pháp luật… Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương như Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư… có thể đề xuất các hoạt động cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình để thúc đẩy từng chỉ tiêu thành phần trong chỉ số chung, qua đó góp phần phát triển thương mại điện tử tại địa phương.
Báo cáo EBI 2024, tập trung vào một số nội dung sau:
1. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong những năm gần đây;
2. Tình hình Thanh toán trực tuyến trở lên phổ biến;
3. Dịch vụ giao hàng chặng cuối bứt phá;
4. Thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành xu hướng tất yếu
5. Rác thải nhựa từ thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng
6. Thị trường Công nghệ giáo dục (EdTech) và Thị trường công nghệ chăm sóc sức khỏe (HealthTech).
Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, bao gồm Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (NNL&HT), Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Ông Nguyễn Bình Minh - Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực công bố Báo cáo EBI 2024.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm. Đứng thứ ba trong bảng xếp hạng là Bình Dương với 51,3 điểm và cũng có khoảng cách rất xa so với Hà nội lên tới 33 điểm.
Điểm trung bình của Chỉ số năm nay là 23,1 điểm. Khoảng cách về TMĐT giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành còn lại là rất lớn. Khoảng cách giữa tỉnh thành xếp đầu Chỉ số là Tp. Hồ Chí Minh so với tỉnh thành thấp nhất trong bảng xếp hạng của 58 tỉnh thành là 76,4.
Sự thay đổi phương pháp tính toán và xếp hạng từ năm 2020 với mục tiêu phản ánh chân thực hơn hiện trạng cũng như tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử giữa các địa phương. Các chỉ số thành phần được bổ sung từ nhiều nguồn số liệu uy tín có tính chất định lượng và chính xác.
Đặc biệt, Báo cáo năm nay nhấn mạnh nội dung Rác thải nhựa từ TMĐT nhằm kêu gọi các các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia góp phần giảm tác động của TMĐT đến môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TMĐT bền vững.
Các đại biểu chia sẻ về thương mại điện tử.
Quá trình hoàn thiện cuốn Báo cáo trên có sự góp mặt, tham gia của  các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã giúp đỡ xây dựng Báo cáo Chỉ số TMĐT này; các Sở Công thương đã nhiệt tình hỗ trợ khảo sát tình hình triển khai thương mại điện tử của các doanh nghiệp tại địa phương; Các doanh nghiệp hội viên và đối tác, đơn vị đã hỗ trợ để VECOM xuất bản Báo cáo EBI 2024. 
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên TMĐT vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này tăng trên 25% so với năm 2022 và đạt 25 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2023 tăng 5,1% so với năm trước. Khu vực dịch vụ tăng 6,8%, trong đó ngành vận tải, kho bãi tăng 9,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,2%. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.232 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 4.859 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức bán lẻ và tăng 8,6% so với năm trước.
Như vậy, TMĐT chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Trong đó, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 8,8%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 7,2% của năm 2022.
Sự phát triển nhanh của TMĐT gắn liền với sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực liên quan. Trong vài năm gần đây dịch vụ thanh toán và hoàn tất đơn hàng tăng trưởng nhanh chóng với công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ. Hoạt động xuất khẩu trực tuyến hình thức doanh nghiệp tới người tiêu dùng cuối cùng (B2C Cross Border Ecommerce) bước sang giai đoạn mới. Lĩnh vực công nghệ giáo dục tiếp tục tăng trưởng với những cơ hội thị trường mới. Đồng thời, sự tăng trưởng nhanh của lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ đã tác động tiêu cực tới môi trường, đặc biệt là phát sinh lượng lớn rác thải nhựa./.
Thảo Lan