Xã hội
Triển khai Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật
04:39 PM 25/08/2016
Trong 2 ngày 25-26/8, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động–TBXH) phối hợp với các tổ chức USAID và UNICEF tổ chức Hội thảo triển khai Kế họach thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (NKT), với sự tham dự của một số Bộ, ngành, đại diện các tổ chức quốc tế, Sở Lao động –TBXH một số tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế trở ra; một số hội của NKT ở các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Vĩnh Phúc…
r
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu chỉ đạo
Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Việt Nam hiện có số lượng NKT lớn, với trên 7 triệu người, trong đó có 3,6 triệu người là nữ và hơn 2 triệu người là trẻ em. Tỷ lệ NKT trên tổng dân số chiếm tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực châu Á. Phần lớn NKT sống ở vùng nông thôn, điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến công tác trợ giúp NKT, quyền của NKT được quy định ở Hiến pháp năm 1946. Năm 2007, Việt Nam đã tham gia ký Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, thành lập, rà soát lại các chính sách, xây dựng các chương trình trợ giúp NKT. Năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật NKT, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh riêng cho nhóm dân cư là NKT. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật NKT, đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện. Theo đó, số lượng NKT được tiếp cận các chính sách trợ giúp ngày càng tăng, hàng triệu NKT được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, hàng trăm nghìn NKT được hỗ trợ chỉnh hình phục hồi chức năng, dạy nghề tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế. Mạng lưới các cơ sở phục hồi chức năng được kiện toàn phát triển. Các tổ chức của NKT được thành lập ở cả cấp trung ương và địa phương.
Ông Christopher Abrams, Giám đốc Phòng Môi trường và phát triển xã hội USAID phát biểu tại Hội thảo
Ông Vijaya Ratnam Raman, quyền trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em UINEF
Nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền của NKT được tốt hơn, năm 2007, Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, năm 2014 phê chuẩn Công ước, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, năm 2016 ban hành quyết định phê duyệt  kế hoạch triển khai Công ước. Bộ Lao động – TBXH cũng mong rằng các đại biểu, địa phương, tổ chức quốc tế phối hợp thảo luận tháo gỡ những khó khăn, thống nhất giải pháp triển khai Công ước theo hướng gia tăng số lượng NKT được thụ hưởng chính sách trợ giúp, có điều kiện ổn định cuộc sống.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận của các Bộ, ngành liên quan về công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NKT; công tác giáo dục hòa nhập đối với NKT; giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho NKT… Trong đó, về vấn đề hỗ trợ dạy nghề, theo lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, thời gian qua đã có nhiều bước tiến, được giao thành chỉ tiêu cụ thể trong Đề án 1019, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước đối với NKT. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như định mức dạy nghề ở Quyết định 46 chưa được sửa đổi và nên quy định định mức tối thiểu; có cơ chế đặc thù cho các công ty, doanh nghiệp tạo được nhiều việc làm cho NKT. Nên mở ra giải pháp mới dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT.
Đại diện Vụ Dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Dạy nghề trả lời những vấn đề xung quanh công tác hỗ trợ dạy nghề cho NKT
Đại diện Hội NKT Thành phố Hà Nội
Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Đình Liêu
Từ thực tiễn tổng kết 5 năm thực hiện Luật NKT, trong thời gian tới, cần tăng cường đưa hệ thống văn bản đã ban hành vào thực tiễn; xây dựng kế hoạch hàng năm Ủy ban quốc gia về NKT tổ chức các đoàn giám sát không chỉ ở địa phương mà còn ở cả các Bộ, ngành.
Ngày 21/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1100/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, với mục đích xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện Công ước, góp phần thực hiện có hiệu quả các quyền, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam. Kế hoạch tập trung vào các hoạt động chính như: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Công ước và pháp luật về NKT; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trợ giúp NKT trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, văn hóa thể dục thể thao… phù hợp với Công ước; Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về NKT như chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm, phòng chống thiên tai và hỗ trợ sinh kế, tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, tiếp cận và tham gia giao thông…
Đại diện Hội Cứu trợ xã hội Việt Nam
Kế hoạch thực hiện Công ước cũng nhấn mạnh, kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành cơ quan trung ương và các địa phương; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình, mục tiêu, đề án  trợ giúp NKT và đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo phân cấp của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Kinh phí từ sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Hồng Phượng