Kinh tế
Chuyển đổi số - cơ hội để phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam
04:28 PM 15/04/2024
(LĐXH) - “Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, là công cụ vô cùng cần thiết cho ngành sản xuất nói chung và ngành dệt may nói riêng. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường, cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh và đổi mới công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất”. Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), tại Hội thảo “Chuyển đổi số - Sự lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp dệt may để phát triển bền vững”, ngày 12/04/2024, tại Tp. HCM vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam phát biểu  tại Hội thảo “Chuyển đổi số 

Chuyển đổi số là quá trình tất yếu của ngành dệt may

Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, là kim chỉ nam và công cụ vô cùng cần thiết cho các doanh nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng. Chuyển đổi số sẽ là giải pháp tối ưu làm thay đổi hoàn toàn cục diện và nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp xây dựng tầm nhìn, chiến lược đầu tư về chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, để vừa giải được bài toán sử dụng ít lao động hơn nhưng vẫn đảm bảo năng lực sản xuất tối ưu của công ty, vừa thích ứng được với yêu cầu đa dạng của các nhan hàng, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Dệt May Việt Nam.


Toàn cảnh Hội thảo Chuyển đổi số - Sự lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp dệt may để phát triển bền vững

Theo bà Mai, doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn tồn tại và phát triển trên thị trường thì nhất thiết phải chuyển dịch từ phương thức sản xuất truyền thống chủ yếu là gia công sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm. Ngành may mặc trong nước cũng cần được đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có thể sử dụng và làm chủ được công nghệ.

Để thực hiện thành công việc chuyển đổi số, đầu tiên, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tinh thần cho sự thay đổi liên tục, lãnh đạo tiên phong trong sự sáng tạo đổi mới, kết hợp với đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng cho nhân lực doanh nghiệp. Tiếp đến là cải tiến các quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí và đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp.

Giải pháp đối với doanh nghiệp dệt may là cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, chuỗi cung ứng… Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp cho thấy hiệu quả đón đầu xu hướng mới trên thị trường tiêu dùng toàn cầu.

 

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo chuyển đổi số

Còn nhiều rào cản khi thực hiện chuyển đổi số

Trong những năm qua, ngành Công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt 40,3 tỷ USD, xếp thứ 3 trong danh sách các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, ngành dệt may Việt Nam cần có những giải pháp mang tính chất quyết định – đó là thực hiện việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất của mình. Sự chuyển đổi của các công nghệ số và sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chuyển hướng, thay đổi chiến lược kinh doanh và đổi mới công nghệ nếu muốn đảm bảo lợi thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay việc đưa công nghệ số vào áp dụng trong ngành dệt may vẫn còn khiêm tốn, do đó kết nối những nhà cung cấp có thế mạnh phát triển công nghệ, chuyên cung ứng giải pháp phần mềm đặc thù riêng cho ngành dệt may là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn tồn tại và phát triển trên thị trường thì nhất thiết phải chuyển dịch từ phương thức sản xuất truyền thống chủ yếu là gia công sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm.

Chuyển đổi số ở Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Trong thời gian qua, Chuyển đổi số đã đem lại một số thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Với mục tiêu của chuyển đổi số tại Vinatex là đảm bảo gia nhập và vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng khả năng phát triển bền vững. Vinatex xác định quá trình chuyển đổi số cần song hành với quá trình chuyển đổi mô hình quản lý và phát triển nguồn nhân lực để mang lại hiệu quả cao nhất theo 4 khía cạnh: Tổ chức nguồn lực; Đào tạo và phát triển nhân lực; Quản lý làm việc và chế độ đãi ngộ; Mô hình vận hành và cung cấp các dịch vụ quản trị nguồn nhân lực.

Để thực hiện được việc chuyển đổi này, Vinatex đã thực hiện khảo sát đánh giá thực trạng của mình để tìm kiếm được mô hình phù hợp với đặc thù của Vinatex từ đó xác định được giải pháp phần mềm phù hợp. Theo đó, hiện nay đã hoàn thiện xong giai đoạn khảo sát các đơn vị trong hệ thống (văn phòng Tập đoàn và 6 đơn vị thành viên). Đã tiếp cận các giải pháp và lựa chọn giải pháp phù hợp và hoàn thiện khâu thiết kế nghiệp vụ, và phạm vi công việc.

Chuyển đổi số là sự nâng cấp, tuần hoàn và cải tiến liên tục, không chỉ là xu thế mà còn là động lực phát triển cho doanh nghiệp. Vinatex từng bước thay đổi, định hướng chiến lược phát triển, xây dựng nền tảng quản trị vững chắc, phát triển và khẳng định thương hiệu trong sự vận hành hài hòa của công nghệ và con người.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Phương – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú chia sẻ tại Hội thảo

Hiệu quả mang lại từ việc chuyển đổi số

Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (PPJ) là một trong những đơn vị điển hình trong ngành dệt may đã thực hiện thành công việc chuyển đổi số thông qua phần mềm của WFX và CLO. Chia sẻ kinh nghiệm qua quá trình thực tế chuyển đổi số của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Phương – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú chia sẻ, PPJ là một tập đoàn hàng đầu trong ngành dệt – may tại Việt Nam. PPJ luôn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và quản lý. Từ năm 2014, PPJ đã nhận thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất. Trải qua 8 năm sử dụng nhiều ứng dụng phần mềm của nhiều công ty, tuy nhiên, PPJ nhận thấy chúng không đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế. Sau 3 năm ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng cho đến tồn kho, sản xuất cho đến tài chính, đến nay PPJ đã triển khai thành công hệ thống chuyển đổi số cho ngành may mặc và đạt được kết quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Trong thời gian tới, PPJ tiếp tục triển khai hệ thống Sợi – Dệt – Nhuộm. Dự kiến cuối năm 2024, toàn bộ hệ thống hoạt động sản xuất kinh doanh của PPJ sẽ được chuyển đổi số hoàn toàn thông qua ứng dụng phần mềm WFX của Công ty WFX và phần mềm 3D của Công ty CLO Virtual Fashion.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Phương – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Theo bà Phương, để thực hiện thành công việc chuyển đổi số phải kết hợp tổng hòa các yếu tố như: từ người đứng đầu, đội ngũ quản lý, nhân viên vận hành, phần mềm tương thích với hệ thống, đồng thời xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chi phí đầu tư cho phần mềm và đầu tư hệ thống…

Ông Ngô Thành Phát – Giám đốc điều hành Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến (Việt Tiến) cho rằng, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị là giải pháp thay đổi hoàn toàn cục diện và nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Tiến đang áp dụng thành công phần mềm quản lý số hóa cơ sở dữ liệu, quản lý sản phẩm, quản lý máy móc thiết bị, văn phòng nghiệp vụ, quản lý sản xuất tại nhà máy và áp dụng công nghệ 4.0, thiết bị tự động hóa tại nhà máy, trong đó Việt Tiến đã áp dụng hoàn thiện khu vực cắt, trải vải cùng với phần mềm số hóa điều khiển tự động. Việc ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả tốt trong hoạt động sản xuất của Việt Tiến như giảm được lao động, tại công việc được số hóa, người lao động tuyển vào không cần trình độ cao, có thể dễ dàng đào tạo. Giảm được các thao tác văn bản truyền thống, giấy tờ thủ tục duyệt, quản lý qua phần mềm chính xác và nhanh gọn hơn. Giảm thời gian thực hiện các công việc cơ bản truyền thống (ghi tay, vẽ tay, đếm tay...). Cơ sở dữ liệu được bảo mật theo cách phân quyền truy cập của phần mềm, phân nhiệm vụ công việc thực hiện chính xác và tốt hơn. Thiết bị tự động hóa CN 4.0 tạo ra sản phẩm đồng bộ, giảm sai sót, sản phẩm lỗi, tăng năng suất chất lượng cho sản phẩm. Trong thời gian tới, Việt Tiến tiếp tục hoàn thiện và cải tiến các phần mềm nhằm tăng hiệu quả quản lý, sử dụng dễ dàng hơn. Đồng thời, áp dụng tự động hóa, công nghệ 4.0 vào sản xuất và liên kết chuyển đổi số quản lý hiệu quả, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thành phố HCM cho biết, nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục, trong những năm qua, nhà trường đã đẩy mạnh chuyển đổi số và đã đạt được nhiều kết quả trong hoạt động đào tạo của mình. Nhà trường đã bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục. Xây dựng hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ đặc biệt là việc kết nối để khai thác có hiệu quả. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy - học. Đồng thời, xây dựng quy chế, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để tổ chức đào tạo từ xa, tự học có hương dẫn; giảng dạy một số môn bằng hình thức giảng dạy trực tuyến. Qua đó, giúp giảm chi phí và tạo điều kiện cho người học không có điều kiện đến trường được tham gia học tập.

Việc lựa chọn đúng nhà cung cấp sẽ quyết định đến sự thành công trong việc chuyển đỗi số của các doanh nghiệp. Chia sẻ tại Hội thảo, bà Trần Thị Hà, Tổng giám đốc Khối Thương mại Công ty Pro-sports chỉ ra rằng, trước đây công ty có sử dụng nhiều phần mềm và giải pháp chuyển đổi số nhưng không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, nhất là thông tin minh bạch và kết nối được hệ thống phần mềm của khách hàng. Bên cạnh đó, trong quản trị công ty thì những quyết định chiến lược cần một nguồn dữ liệu đồng bộ, chứ không phải chờ tổng hợp từ nhiều nguồn.

 

Trước thực trạng này, công ty đã phải tìm đến nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số chuyên ngành và đảm bảo giải quyết những vấn đề quản trị nội bộ lẫn đối ngoại; trong đó ưu tiên ứng dụng số hóa mang tính toàn diện và đồng bộ chuỗi cung ứng. Tuy vậy, công ty cũng vướng phải nhiều thách thức khi ứng dụng số hóa toàn diện, nhất là truyền thông nội bộ và chia sẻ lý do phải chuyển đổi số trong vận hành sản xuất, kinh doanh.

 

Ông Jatin Paul - Giám đốc điều hành Công ty WFX, nhà cung cấp ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số ngành dệt may chia sẻ tại Hội thảo

Theo ông Jatin Paul - Giám đốc điều hành Công ty WFX, nhà cung cấp ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số ngành dệt may chia sẻ, WFX là công ty toàn cầu, hoạt động hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tích hợp toàn diện cho ngành dệt may. Trong doanh nghiệp dệt may phổ biến đang sử dụng nhiều phần mềm riêng lẻ, nhưng giải pháp của WFX lại tích hợp toàn diện và có thể tích hợp với những phần mềm sẵn có tại doanh nghiệp dệt may.

Điểm nổi bật của giải pháp chuyển đổi số của WFX là ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ dữ liệu trên điện toán đám mây và đảm bảo hoạt động 24/7. Chuyển đổi số hóa toàn diện trong chuỗi cung ứng từ đầu vào đến đầu ra, gồm: hoạt động sản xuất từ sợi đến may mặc thành phẩm; từ phát triển sản phẩm, quản lý chuyền may, chất lượng, bán hàng, xuất nhập khẩu, tồn kho…

Giải pháp chuyển đổi số của WFX giúp doanh nghiệp phân tích số liệu của cả chuỗi giá trị, thông tin khách hàng, xu hướng người mua… để doanh nghiệp có cơ sở dữ liệu hoạch định và điều chỉnh chiến lược phù hợp thị hiếu tiêu dùng. WFX mang lại 3 lợi ích như tăng trưởng, lợi nhuận và tính bền vững, bởi quy trình hoạt động được số hóa không sử dụng nhiều nguyên vật liệu, đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa thông tin toàn bộ quy trình sản xuất; quản lý được chứng chỉ, hồ sơ… của doanh nghiệp. Đồng thời, giải pháp chuyển đổi số của WFX có tính năng tự động hóa giúp doanh nghiệp quản lý được công ty mà không cần mất nhiều thời gian thu thập và xử lý dữ liệu thô theo phương thức truyền thống.

Ghi nhận ý kiến một số chuyên gia cũng đánh giá, ưu điểm của những nhà cung cấp chuyên cung ứng giải pháp chuyển đổi số là có bề dày kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn về ngành, ứng dụng thành công tại nhiều nhà máy sản xuất và nhãn hàng thời trang trên toàn cầu.

 

Chuyển đổi số - cơ hội để phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn tồn tại và phát triển trên thị trường thì nhất thiết phải chuyển dịch phương thức sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có thể sử dụng và làm chủ công nghệ. Đồng thời, xây dựng giải pháp, công cụ tìm kiếm thông tin và tăng cường khả năng phân tích dữ liệu phù hợp với lĩnh vực đang hoạt động, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây là một quá trình dài và liên tục nên mỗi doanh nghiệp đều phải tận dụng lợi thế, nắm bắt cơ hội phát triển.

Cẩm Hà