Giáo dục - Nghề nghiệp
Năm 2016 sẽ có 2.500 suất học bổng Vallet trị giá 25 tỷ đồng được trao tặng cho học sinh, sinh viên Việt Nam
12:08 PM 25/08/2016
(LĐXH)-Các Giáo sư Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc, Odon Vallet sẽ đi xuyên Việt từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh trong vòng nửa tháng tính từ ngày 27/8 – 10/9/2016 để trao tận tay gói học bổng trị giá 25 tỷ đổng cho các học sinh, từng sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Việt Nam.
Những suất Học bổng Vallet có ý nghĩa vô cùng to lớn với học sinh, sinh viên Việt Nam

Từ những cuộc Gặp gỡ Việt Nam lịch sử     

                                                                                                

Năm 1993, theo đề nghị của GS Nguyễn Văn Hiệu, lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), GS Trần Thanh Vân, một nhà vật lý lý thuyết người Việt Nam sống và làm việc tại Paris trở về Hà Nội tổ chức Rencontres du Vietnam (Gặp gỡ Việt Nam) lần thứ nhất, thu hút hàng trăm nhà vật lý nổi tiếng trên thế giới, trong đó có GS J. Steinberger - nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel, quốc tịch Mỹ đến Hà Nội, thông báo và tranh luận về những kết quả mới nhất trong vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn. Lúc bấy giờ, Mỹ đang cấm vận Việt Nam, giữa hai nước chưa có quan hệ ngoại giao, cho nên J. Steinberger cũng như nhiều nhà vật lý Mỹ khác gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục thị thực xuất - nhập cảnh khi họ quyết định đến Việt Nam.

 

 Cũng năm ấy, hai nhà vật lý trẻ người Việt Nam ở nước ngoài là TS Đàm Thanh Sơn và TS Nguyễn Trọng Hiền đã về Hà Nội dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất. Về sau hai ông đã trở thành hai nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

 

Từ năm 1995 đến 2014, các cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần II, III, IV, V, VI, VII, VIII, IX , X, XI và XII ( năm 2016 )  lần lư­ợt diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quy Nhơn. Nhiều nhà nhà bác học khác từng đoạt Giải thưởng Nobel như  N. Ramsey (Mỹ), G. Charpak (Pháp), J. Friedman (Mỹ), J. Cronin (Mỹ), K. Klitzing (Đức), S. Glashow (Mỹ), G. Smoot (Mỹ), D. Gross (Mỹ), F. Englert (Bỉ), GS. David Gross - Nobel Vật lý 2004, GS. Jerome Friedman - Nobel Vật lý 1990 đã đến Hà Nội. TP Hồ Chí Minh và Quy Nhơn đã đến dự các lần Gặp gỡ Việt Nam.  

Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII vào tháng  7/2016 năm nay  tại Quy Nhơn , Việt Nam chúng ta đã được đón tiếp 6 giáo sư  đoạt giải thưởng Nobel như GS David Gross ( Nobel vật lý năm 2004 ) , GS . Carlo Rubbia (Nobel vật lý năm 1994 ), GS. Jerome Friedman ( Nobel vật lý năm 1990 ), GS. Kurt Wuthrich ( Nobel Hóa học 2002 ), GS. Jean Jouzel ( Nobel  Hòa bình 2007 ), GS. Finn Kydland ( Nobel kinh tế năm 2004 ).  

 

GS Ngô Bảo Châu, Huy chương Fields; GS R. Heuer, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN); GS M. Mayor, Giải thưởng Shaw (Nobel phương Đông, trao tặng tại Hong Kong); GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Trịnh Xuân Thuận, GS Đàm Thanh Sơn, GS Nguyễn Trọng Hiền, Lưu Lệ Hằng ( người gốc Việt, quốc tịch Mỹ; đoạt giải Shaw năm 2012),… cũng đã đến Quy Nhơn.

 

Các đại biểu nguyên là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam như Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thân mật tiếp đại diện các nhà vật lý nước ngoài đến Hà Nội dự các lần Gặp gỡ Việt Nam.

 

Đến những ngôi trường đào tạo nhân tài và những suất học bổng Vallet ý nghĩa

 

Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị vật lý quốc tế lớn ở Việt Nam, từ năm 1994, GS Trần Thanh Vân còn hợp tác với GS Nguyễn Văn Hiệu mở Trường Vật lý Việt Nam (Vietnam School of Physics/ VSOP), dạy và học bằng tiếng Anh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ đều đặn hằng năm, trong khoảng thời gian hai tuần vào mùa hè. Và năm 2013, bắt đầu mở thêm Trường Vật lý thiên văn Việt Nam (Vietnam School of Astrophysics/ VSOA).

 

Bên cạnh đó, trước năm 2000, Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam còn trao học bổng cho các bạn trẻ là học sinh THPT, sinh viên đại học, học viên cao học và các nhà nghiên cứu trẻ ưu tú ở Việt Nam.

 

Cảm kích trước ý nghĩa cao đẹp của hoạt động khuyến học, khuyến tài ấy, GS Odon Vallet tình nguyện tham gia chương trình học bổng trong khuôn khổ các hoạt động đa dạng của Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam. Từ đó số học bổng tăng thêm rất nhiều và chính thức mang tên Học bổng Vallet nhằm giúp đỡ các sinh viên, học sinh Việt Nam tài năng hoặc xuất sắc trong học tập.

Vallet là tên dòng họ Vallet mà Odon Vallet là người đại diện hiện nay. Odon là một vị tiến sĩ khoa học trong ngành luật học, giáo s­ư lịch sử tôn giáo của Đại học Sorbonne nổi tiếng thế giới, và cũng là một nhà văn viết tuỳ bút triết luận quen biết, thường được Đài Truyền hình Pháp và các báo lớn ở Paris phỏng vấn về các cuộc xung đột tôn giáo diễn ra nóng bỏng ở vùng Trung Đông và Nam Á (như Iraq hay Afganistan). 

 

Đ­ược thừa kế một gia tài lớn, trị giá khoảng 120 triệu euro, của người cha là Tiến sĩ Jean Vallet, nhưng Giáo sư Odon Vallet không tiêu xài cho riêng mình, mà đem tất cả số tiền ấy gửi ngân hàng, hằng năm lấy lãi để tặng học bổng cho các bạn trẻ học giỏi ở Pháp, ở Việt Nam và ở một nước nhỏ châu Phi là Bénain.

 

 

Năm 2016, GS Odon Vallet rất quan tâm tới tình hình tăng giá về lương thực, thực phầm, xăng nhớt, giá thuê nhà trọ gần đây ở nước ta, gây khó khăn cho học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, vậy nên, GS Trần Thanh Vân và GS Odon Vallet quyết định tăng thêm số tiền của mỗi suất học bổng. Theo đó  Quỹ học bổng Vallet sẽ trao tặng cho học sinh, sinh viên Việt Nam 2.500 suất học bổng, trị giá lên tới 25 tỷ đồng. Cụ thể, mỗi suất học bổng của học sinh được nhận là 9 triệu đồng, còn sinh viên là 15 triệu đồng/người

 

Từ năm 2000 đến nay, Tổ chức Gặp gỡ VN đã trao học bổng cho hơn 22.000 học sinh và sinh viên Việt Nam trong cả nước với tổng số tiền hơn 220 tỷ đồng . Ngoài ra Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam còn trao học bổng cho trẻ em ở các  làng trẻ em SOS Đồng Hới, Đà Lạt và Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, Huế;  Trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo có thành tích học tập tốt là con em của Khu vực Ghềnh Ráng, Quy Nhơn; Giúp đỡ học sinh làng phong phân hiệu Quy Hòa thuộc trường Tiểu học Kim Đồng, phường  Ghềng Ráng, Quy Nhơn.

 

Trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn ở một nước đang phát triển như Việt Nam ta, trị giá mỗi suất học bổng như vậy là tương đối cao, đủ để mua một chiếc xe máy loại trung bình, một chiếc máy tính để bàn, hoặc một chiếc laptop và có thể là đủ một năm học phí cho các em.

 

Năm nay, bên cạnh những học sinh giỏi ở các đô thị, nhiều nhiều học sinh giỏi con em nông dân nghèo tại các vùng sâu, vùng xa ở đồng bằng sông Cửu Long và ở núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc cũng đ­ược nhận Học bổng Vallet.  GS Odon Vallet và ông bà GS Trần Thanh Vân từ Paris bay sang Việt Nam, tự mình tiến hành một cuộc hành trình xuyên Việt, trực tiếp trao học bổng tận tay từng bạn trẻ. Hành trình trao học bổng của các giáo sư sẽ đi từ Bắc vào Nam, kéo dài nửa tháng từ ngày 27-8 đến ngày 10-9-2016. Bắt đầu là cuộc trao học bổng tại Nhà hát lớn, sau đó là Văn Miếu vào  ngày 29/8/2016 cho sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ;  tiếp theo sau là hành trình từ Bắc vào Nam.

 

Sau đó, các GS rời Hà Nội, bay vào Vinh, trao học bổng cho các học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tại thành phố quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến; rồi ngồi xe buýt đường dài vào Đồng Hới, Huế, vượt đèo Hải Vân đến Đà Nẵng; rồi bay lên Đà Lạt; và bay tiếp về TP Hồ Chí Minh, dừng lại ở từng nơi, để trao học bổng tận tay các bạn trẻ học giỏi tại các địa phương khắp cả nước.

 

Sau nửa tháng hành trình xuyên Việt trao học bổng đầy nhiệt huyết, GS Odon Vallet bay trở về Paris ngày 11/9/2016  để kịp làm những công việc bộn bề của ông trong mùa khai trường ở Pháp.

 

Các bậc cha mẹ học sinh, các thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên vô cùng cảm kích tr­ước tình cảm cao quý và việc làm đầy ý nghĩa của GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc (tức bà Trần Thanh Vân) và GS Odon Vallet dành cho thế hệ trẻ trên đất nước Việt Nam anh hùng và hiếu học.

 

Giới báo chí Việt Nam luôn cổ vũ cho hoạt động khuyến học, khuyến tài đầy hiệu quả của Quỹ học bổng Vallet.

 

Với tình yêu thương đối với thế hệ trẻ Việt Nam và với nhiều đóng góp về khoa học và giáo dục cho Việt Nam, Giáo sư Trần Thanh Vân , Giáo sư Lê Kim Ngọc đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hữu nghị vì ‘‘đã có nhiều đóng góp tích cực trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại Việt Nam , góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam , Pháp và các tổ chức quốc tế’’. Hai giáo sư cũng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong việc củng cố và phát triển cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2008, Giáo sư Trần Thanh Vân cũng đã được Ủy ban Trung ương mặt trân Tổ quốc Việt Nam trao giải thưởng “Vinh danh nước Việt” đợt đầu tiên. Các giáo sư cũng đã  được nhiều Bộ, ngành ở Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương.

 

Sinh thời, khi sức khỏe còn tương đối tốt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phu nhân là PGS Đặng Bích Hà đã dành thời gian tiếp GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc và GS Odon Vallet tại nhà riêng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, nồng nhiệt bày tỏ thái độ hoan nghênh nghĩa cử cao đẹp của các Giáo sư dành cho thế hệ trẻ Việt Nam. /.

Mỹ Hạnh