Lao động
Nam Định chú trọng huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động
03:43 PM 02/04/2024
(LĐXH)- Nâng cao chất lượng các hoạt động huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động…
Đây là một trong những biện pháp bảo đảm ATVSLĐ vừa được UBND tỉnh Nam Định đưa ra tại Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 01/04/2024 về việc triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; UBND các huyện, thành phố Nam Định tăng cường, đa dạng hóa các các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội; tuyên truyền, thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ TNLĐ, BNN, sự cố để phòng tránh TNLĐ, BNN, phòng chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cộng đồng.
Nâng cao chất lượng các hoạt động huấn luyện về ATVSLĐ, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; tăng cường đối thoại, giải đáp chính sách, vướng mắc trong công tác ATVSLĐ ở các cấp, trong các doanh nghiệp, cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Rà soát, nhận diện, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có nguy cơ rủi ro cao như làm việc trên cao, hàn cắt, trong xây dựng, trong sử dụng điện...
Người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Nam Định nhận quà nhân Tháng công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023
Đánh giá tình hình, kết quả của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, đơn vị trong thực hiện các quy định về thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ. Làm rõ những hạn chế, khó khăn. Trên cơ sở đánh giá, xác định các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong thực thi pháp luật, chính sách của nhà nước về ATVSLĐ.
Bên cạnh đó, tăng cường biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc, như: kiểm tra, rà soát các văn bản của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đã ban hành về nội quy, quy trình, quy định bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. Đối chiếu với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, tổ chức thực hiện đúng nội quy, quy trình, quy định bảo đảm ATVSLĐ của cơ quan, doanh nghiệp, HTX, cơ sở SXKD.
Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức kiểm tra, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Đặc biệt đối với các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.
Tiếp đến thực hiện đảm bảo các quy định về bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động. Xây dựng, bảo đảm điều kiện thực hiện Kế hoạch của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh về bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động (khám sức khỏe cho người lao động. Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động cho người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Đảm bảo cho người lao động được hưởng đầy đủ các chính sách về bảo hộ lao động, chế độ phúc lợi theo quy định.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chương trình hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN, phòng chống cháy nổ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc “an toàn - xanh - sạch - đẹp - thân thiện”.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Tăng cường chỉ đạo, triển khai, thực hiện rà soát, xác định, thống kê các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo danh mục quy định của bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đánh giá thực trạng tình hình quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ…
Trên cơ sở tình hình thực tế, điều kiện cụ thể của địa phương; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã chủ động tổ chức các hoạt động phù hợp, thúc đẩy sự tham gia của người lao động.
Tổ chức mít tinh phát động, truyền tải thông điệp Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024. Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về ATVSLĐ, hội thi ATVSLĐ, giao lưu văn nghệ có nội dung tuyên truyền về ATVSLĐ. Tư vấn, khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức giao lưu, thăm quan các mô hình điển hình làm tốt về ATVSLĐ. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện về ATVSLĐ.
Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên của địa phương, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đến các cá nhân và gia đình có người lao động bị TNLĐ, BNN, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, Đồng thời, gắn với đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về các hệ lụy do TNLĐ, BNN gây ra để cảnh báo, tuyên truyền tới cộng đồng, doanh nghiệp và người lao động...

Chí Tâm