Lao động
Thực trạng tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp cho thuê lại lao động trên địa bàn Thủ đô
10:43 AM 30/10/2023
(LĐXH) - Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 65 doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Trên thực tế, hoạt động cho thuê lại lao động dễ xảy ra tranh chấp, phát sinh các trường hợp tiêu cực như nợ lương, trả thù lao không tương xứng với sức lao động... giữa bên cho thuê lao động và bên thuê lao động khiến người lao động phải chịu thiệt thòi.
Cho thuê lại lao động là lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam nên việc quản lý hoạt động cho thuê lại lao động vẫn còn nhiều bất cập. Theo quy định, hoạt động cho thuê lại lao động là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, không thuộc nhóm khuyến khích hoạt động, kinh doanh và phải được cấp phép. Trên thực tế, hoạt động cho thuê lại lao động dễ xảy ra tranh chấp, phát sinh các trường hợp tiêu cực như nợ lương, trả thù lao không tương xứng sức lao động... giữa bên cho thuê lao động và bên thuê lao động.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lao động đã nhập nhèm giữa hình thức cho thuê lao động sang hình thức cung cấp dịch vụ lao động, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động… Có những doanh nghiệp trả lương cho người lao động thấp hơn rất nhiều so với thỏa thuận đã ký với bên thuê lại lao động.
Vi phạm phổ biến nhất là tình trạng doanh nghiệp cho thuê lao động không đúng với những ngành nghề đã được pháp luật quy định. Việc trả lương cho người lao động thấp hơn so với mức lương thỏa thuận với bên thuê lại lao động. Hợp đồng cho thuê lao động không minh bạch, không rõ ràng khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi. Vì thế, quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp cho thuê lao động khó bảo đảm. Một số doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định 3 tháng/lần.
Cụ thể hơn về tình hình thực hiện quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp cho thuê lại lao động, kết quả kiểm tra một số doanh nghiệp cho thuê lại lao động vừa qua của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cho thấy: Các doanh nghiệp đều báo cáo về việc giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Song, trên thực tế kiểm tra, Sở nhận thấy các doanh nghiệp cho thuê lại lao động thường lựa chọn giao kết hợp đồng lao động dưới 01 tháng hoặc chấm công người lao động hàng tháng không đủ 14 công để trốn tránh nghĩa vụ với người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lao động đã nhập nhèm
giữa hình thức cho thuê lao động sang hình thức cung cấp dịch vụ lao động,
gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
(Ảnh minh họa) 
Về xây dựng thang lương, bảng lương: Theo báo cáo, các doanh nghiệp đều xây dựng thang lương, bảng lương để làm căn cứ trả lương cho người lao động. Tuy nhiên một số doanh nghiệp chưa tổ chức đối thoại theo quy định khi xây dựng thang lương, bảng lương.
Về nội dung xây dựng và đăng ký Nội quy lao động: Hiện nay có khoảng 15 doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động đã xây dựng và đăng ký nội quy lao động với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Một số doanh nghiệp có tổ chức đối thoại với người lao động về các vấn đề liên quan đến tiền lương, tiền thưởng. Hầu hết, doanh nghiệp cho thuê đều chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Đa số các doanh nghiệp đều tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khá đầy đủ cho người lao động, đặc biệt là đối với các công việc hành chính, quản lý. Những đối tượng không được tham gia BHXH, BHYT, BHTN thì đa phần là những đối tượng đi làm không đủ số công trong tháng hoặc do công việc có tính thời vụ nên thường các công ty cho thuê chỉ ký hợp đồng dưới 01 tháng (1 năm sẽ có khoảng 3- 4 hợp đồng dưới 1 tháng nhưng không phải hợp đồng chuỗi).
Về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động: Theo báo cáo và qua kiểm tra thì các doanh nghiệp đã dần ý thức và bước đầu thực hiện việc thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê lại các nội dung về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên liên quan đến an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc quy định thỏa thuận nội dung về an toàn vệ sinh lao động trong Hợp đồng ký với đối tác.
Hầu hết các doanh nghiệp chưa thỏa thuận cụ thể về nội dung tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp thuê lại đều muốn đẩy trách nhiệm hoàn toàn cho bên cho thuê. Dù không muốn nhưng vì cạnh tranh và chưa nghĩ sâu xa đến hệ quả việc nếu có trường hợp không may xảy ra nên thường các doanh nghiệp cho thuê đều ký kết hợp đồng mà không quan tâm nhiều đến nội dung thỏa thuận này.
Để hoạt động cho thuê lại lao động được thực hiện tốt, ngoài việc các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra để tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp thì cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Đồng thời, đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn chi tiết về công việc “hỗ trợ dự án”, “hỗ trợ bán hàng” trong danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Đề nghị nâng mức tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động để bảo đảm mức ký quỹ thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại./.
Thảo Lan